DetailController

Văn hóa xã hội

Phường Hoàng Văn Thụ tổ chức Lễ Dâng hương truyền thống Đình Hoàng Mai năm 2024 kỷ niệm 625 năm ngày húy nhật Thượng tướng Trần Khát Chân (1399-2024)

31/05/2024 10:29
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống văn hóa của quê hương và tôn vinh các bậc danh nhân tiền bối. Sáng ngày 31/5/2024 ( tức ngày 24/4 Âm lịch) tại khu di tích lịch sử văn hoá Đình Hoàng Mai. Đảng uỷ- UBND-UBMTTQ Việt Nam phường Hoàng Văn Thụ, Tiểu ban QLDT Đình Hoàng Mai trang trọng tổ chức Lễ Dâng hương truyền thống năm 2024 - Kỷ niệm 625 năm ngày húy nhật Thượng tướng Trần Khát Chân 1399-2024.

(Đ/c Ngô Sĩ Quý – PBT Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Trưởng ban QLDT phường Hoàng Văn Thụ phát biểu tại Lê Dâng Hương)

Dự Lễ dâng hương có các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng uỷ phường, Thường trực UBMTTQ Việt Nam phường, các đồng chí Trưởng các đoàn thể Chính trị - Xã hội phường, Tiểu ban quản lý di tích Đình- Đền – Chùa trên địa bàn phường, các đồng chí là Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, các đồng chí là Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận liên Tổ dân phố, các Ban Tế nam, Ban Tế nữ, các Bản hội cùng Nhân dân và quý khách thập phương.

Đình Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ là một di tích cổ, Đình có niên đại xây dựng sớm so với nhiều di tích khác của nước ta. Tương truyền trên mảnh đất này chính là Thái ấp của Thượng Tướng quân, tước Vũ Hầu - Trần Khát Chân lừng lẫy cuối đời Trần với chiến công oanh liệt năm 1389, giết Chế Bồng Nga, dẹp tan quân xâm lược.

Trần Khát Chân (sinh năm 1377- mất năm 1399) là người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, tên thật là Ngung, hiệu là Quang Thái, là hậu duệ của danh tướng Trần Bình Trọng, sinh ra và lớn lên trong cảnh vua tôi nhà Trần đã rất suy yếu, quan lại quý tộc ăn chơi sa đọa, nhân dân khổ cực lầm than, nạn ngoại xâm luôn đe dọa, rình rập. Quân Chiêm Thành đã hai lần xâm lấn, vào đốt Kinh thành Thăng Long trong các năm 1371, 1378. Đến năm 1389, khi đó Ông 19 tuổi và được phong chức Đô úy- phục vụ trong triều đình. Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga lại đem quân vượt biên đánh nước ta lần nữa. Hồ Quý Ly ra chống giặc bị thất bại ở Thanh hóa phải chạy về Thăng Long, Thượng hoàng Nghệ Tông lo sợ bèn cử Trần Khát Chân đi cản giặc. Đoàn quân của Trần Khát Chân đi đến sông Hoàng Giang thì gặp giặc, Ông không đánh mà lui về sông Hoàng Triều cố thủ. Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga cùng một số tùy tướng dùng thuyền nhẹ lướt tới, biết thuyền của Chế Bồng Nga, Trần Khát Chân sai quân bắn hỏa pháo vào thuyền giặc làm Chế Bồng Nga chết tại trận. Quân Chiêm Thành mất vua như rắn mất đầu phải tháo chạy. Trần Khát Chân sai bỏ thủ cấp Chế Bồng Nga vào hòm, đưa về Bến Bình Than để dâng vua. Dẹp xong giắc Chiêm Thành, Trần Khát Chân được Vua Trần phong chức Thượng Tướng quân, tước Vũ Hầu và lấy đất Cổ Mai làm Thái ấp. Ông đã có nhiều công khai khẩn, tổ chức sản xuất theo khu vực hoặc nhóm lao động như khu ruộng trồng lúa, nhóm đánh cá, nhóm nấu rượu, chế biến thực phẩm…Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Thái ấp của Trần Khát Chân đã trở nên trù phú. Bấy giờ, Triều đình nhà Trần ngày càng suy yếu, Hồ Quý Ly ngày càng lộ rõ âm mưu thoái vị. Thượng Tướng Trần Khát Chân đã cùng một số hoàng thân quốc thích, quý tộc nhà Trần mưu giết Hồ Quý Ly. Việc không thành nên Ông bị Hồ Quý Lý sát hại.

Sau khi Thượng tướng Trần Khát Chân mất, gia đình Ông và thái ấp Cổ Mai cũng bị triệt phá tiêu điều, Hồ Quý Ly đã đoạt ngôi báu của Triều Trần, tiếp đó là sự đô hộ tàn bạo của quân Minh xâm lược. Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Vương triều Lê Sơ đã biểu dương các công trạng của Thượng Tướng Trần Khát Chân và cho phép nhân dân trong các làng thuộc thái ấp cũ của Ông được lập Đền, Đình thờ Thượng Tướng Trần Khát Chân làm Thành Hoàng Làng.

Để ghi nhớ công ơn to lớn của Ông trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Với chiến công oanh liệt năm 1389, giết Chế Bồng Nga, dẹp tan quân xâm lược. Dân làng Hoàng Mai và Chính quyền Quận Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ đã đóng góp nhiều công sức để tu bổ, tôn tạo, gìn giữ di tích Đình Hoàng Mai ngày càng khang trang, uy nghiêm hơn. Với hệ thống kiến trúc và những dấu ấn lịch sử vang dội để lại. Ngày 5/2/1994, Đình Hoàng Mai đã vinh dự được Bộ Văn hóa thông tin ra Quyết định công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Việc tổ chức Lễ dâng hương truyền thống hàng năm thể hiện sự tri ân, tôn vinh công lao, đức độ đối với vị thánh nhân và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc từ đó luôn khơi dậy cho các thế hệ mai sau về niềm tự hào, lòng yêu quê hương đất nước, góp phần xây dựng phường Hoàng Văn Thụ ngày càng phát triển hơn./.

VHTT phường

NewsByCategory